Sau khi tham gia mấy khóa học có giá trị vài triệu với những lời giới thiệu hoành tráng như: Chỉ một khóa học nhưng bao gồm tất tần tật các kiến thức để bạn có thể kiếm tiền online. Vừa tiết kiệm thời gian tự mò mẫm, vừa được truyền đạt kinh nghiệm riêng do chính người dạy đúc kết được, blah blah.

Nghe thật hấp dẫn đúng không nào?

Nhưng thực tế thì mình đã gặp phải những trường hợp sau:

1. NGƯỜI DẠY KHÔNG CÓ “TÂM”

Mình đã từng mua một khóa học có vài triệu (mà theo như người dạy nói là đã được giảm so với giá gốc). Người này giới thiệu y như ở phần mở đầu – Bao gồm A – Z: Cách làm blog, marketing, quay video Youtube, viết ebook,…

Và tới khi mình học từng nội dung thì… ồ nô!

Vì sao à?

Đúng là các bài học đầy đủ nội dung như những lời quảng cáo luôn. Nhưng vấn đề ở chỗ: Kiến thức trong các video đó SƠ SÀI HƠN MỘT CLIP MIỄN PHÍ với nội dung tương tự ở các kênh Youtube.

Ví dụ nhé, với nội dung dạy về Ebook, bằng một clip mười mấy phút người dạy sẽ LIỆT KÊ và GIỚI THIỆU ĐẠI KHÁI những việc cần làm như cách lấy ý tưởng, nơi có thể đăng ebook, cách bán ebook. Mình tự hỏi nếu chỉ đơn giản là gạch đầu dòng những việc cần làm thì đâu có thiếu các kênh hướng dẫn đâu nhỉ.

Mới đây nhất là sau khi xem những clip “Học viết sách cùng tác giả Trần Huy Hoàng” trên Youtube Chuyện Của Trà, rồi so lại cái bài học Ebook mười mấy phút mà mình mua trong khóa mấy triệu bạc kia thì… Đúng là làm giàu (trong sự vô tâm) không khó.

Ví dụ thứ hai, ở nội dung dạy về “Cách để có thu nhập từ sự ủng hộ của độc giả trên blog”, người này sẽ truyền “kinh nghiệm không đâu có”“cài plugin Buy Me a Coffee đi”“để số tài khoản ngân hàng trên blog của bạn”. Ừm,… điều này cũng được tính là một bài học trong số “en nờ trong một” và là “kinh nghiệm không đâu có”?

2. NGƯỜI DẠY KHÔNG CÓ ĐỨC

Lần này là hình thức dạy trực tiếp. Thế nhưng cũng khiến mình rất kinh hãi vì những điều sau:

a. Ép buộc học viên phải share bài viết của họ, nếu không thì sẽ xỉa xói học viên là “đồ vô ơn”:

Chính xác trải nghiệm thực tế của mình là, sau khi học tới buổi thứ 3, người dạy đó sẽ thông báo xem đã có bao nhiêu người “share bài viết của tôi + lời tri ân với những kiến thức tôi truyền đạt” trên tổng số người tham gia khóa học. Sau đó là bày tỏ sự thất vọng vì “các anh chị sống mà vô ơn. Tôi dạy cho kiến thức mà các anh chị không biết thể hiện sự tri ân với tôi”.

Ôi,… Thật sự cạn lời. Nếu lòng biết ơn chỉ được người dạy đó công nhận khi làm đúng như những gì họ “sai bảo” thì thôi, mình xin phép được “vô ơn” và chính thức dẹp luôn sự tôn trọng với người dạy.

b. Hướng dẫn học viên cách đi copy “chất xám” của người khác:

Ở buổi học này, người dạy thật sự rất tận tâm hướng dẫn các học viên của mình tạo ra Ebook bằng cách đi kiếm nguồn tài liệu, tùy chỉnh giao diện, tự ký tên mình làm tác giả trên… nội dung sáng tạo của người khác.

Nói thẳng ra là ĂN CẮP nội dung của người khác rồi đề tên mình đó ạ.

Vậy mà, lúc đó các học viên – có những cô chú tóc đã ngả màu muối tiêu vẫn vỗ tay bôm bốp tung hô “trời ơi, hay quá thầy ơi, vậy mà trước giờ con không nghĩ ra!” (WTF) ???

Thật sự lúc đó mình đã nổi da gà đó mọi người à. Vì quá ghê sợ.

Thì thôi, chia tay nhau từ đây.

3. VẬY LÀM SAO ĐỂ TÌM RA NGƯỜI DẠY CÓ TÂM – ĐỨC?

Sau đây mình sẽ trình bày những tiêu chí mà mình chọn khi tham gia các khóa học kể trên và như bạn đã biết, là nó “fail” tới mức nào.

a. Học thử khóa miễn phí:

Những người trên đều đã thể hiện rất tốt ở những buổi dạy miễn phí mà họ gọi là “tạo phễu”.

Ở những buổi “tạo phễu” này người dạy sẽ nói vì là miễn phí nên chỉ truyền đạt kiến thức về tư duy thôi, muốn được dạy các thao tác, kỹ thuật thì phải đóng tiền học. Okay thôi, hợp lý mà, nhưng khi vào học khóa có phí thì…

(Mình không phải lên án cách họ “tạo phễu”, mà vấn đề là ở việc đầu tư cho nội dung bài học ở lớp thu phí không khác gì lớp miễn phí)

b. Tìm đọc review từ các học viên cũ:

Ờm, mình cũng đã áp dụng cách này rồi. Tiền bạc là công sức mình làm ra mà, phải kĩ chứ.

Thế nhưng, đây là cách để bản thân bị “dắt mũi” ngọt ngào nhất, ai học khóa có phí rồi mới nhận ra.

Người dạy sẽ cho học viên mình tham gia chương trình Affiliate (Tiếp thị liên kết) chính khóa học của họ. Với mỗi người m.u.a khóa học qua đường link học viên để ở blog thì người học viên đó sẽ hưởng tới vài chục % hoa hồng. Tương tự với việc nếu bạn đăng ký khóa học mà có mã giới thiệu của người học viên kia.

Mình cũng đã tin tưởng m.u.a khóa học sau khi thấy sao mà có nhiều bạn review khen về một khóa nọ. Và rồi…

c. Theo dõi trang cá nhân xem người dạy có đáng tin không:

Cách này chỉ thể hiện được phần nào đó thôi.

Vì với những người giỏi kiếm tiền online, họ đều biết làm thương hiệu cá nhân rất chuyên nghiệp luôn. Họ muốn bạn thấy họ là con người như thế nào thì bạn sẽ thấy như vậy. Trang cá nhân là sân khấu riêng của họ, vậy bạn nghĩ có thể tìm được gì ở đó?

Nguồn ảnh: Unsplash

4. “ỦA, NÓI VẬY RỒI AI DÁM HỌC NỮA?”

Yên tâm nào, mình viết bài không phải với mục đích làm nản lòng mọi người với sự nghiệp học hành đâu. Vì vậy, phần này mình muốn nói tới TƯ DUY TỰ HỌC.

Đừng để bị dẫn dắt bởi các từ ngữ như “học xong biết làm tất cả”, “kinh nghiệm riêng không đâu có”,…

Thực chất, tất cả những kiến thức bạn cần đều có trên Internet hết.

Nhan nhản trước mắt nhưng đúng là “cái gì miễn phí thì không được coi trọng”. Mình từng tưởng họ chia sẻ khơi khơi vậy thì không có dốc lòng đầu tư nội dung, nhưng giờ mình biết mình sai rồi.

Hoặc có khi mình đọc đó, biết đó, rồi để đó chứ không thật sự suy ngẫm và bắt tay thực hiện. Họa chăng với việc đóng tiền học thì ta mới thấy có động lực hơn.

Tóm lại, chủ yếu là bạn có khả năng “tự học” và đủ siêng năng, kiên trì, tin tưởng với những kiến thức mà bạn tìm thấy không.

Điển hình ở việc tự tạo website riêng của mình nha. Trước tiên, mình coi tất cả các clip hướng dẫn làm web, từ đó cũng biết được vài blogger có khóa học miễn phí. Rồi từ những kiến thức đó, mình cứ vậy mà làm từng bước, thao tác nào / lỗi nào xuất hiện mà không biết thì tra từ khóa đó trên Google hoặc Youtube là sẽ thấy tài liệu hướng dẫn liền.

(Cũng nhờ vậy mà mình mới phát hiện ra những video mà mình bỏ tiền mua chất lượng nội dung chỉ bằng 1/10 các clip trên Youtube).

5. ĐIỂN HÌNH CỦA MỘT NGƯỜI THẦY CÓ TÂM – ĐỨC:

Mình không nói rằng TẤT CẢ các khóa học online đều “ba chấm” như những khóa mình tham gia. Mình tin là vẫn có những người dạy trao đi giá trị xứng đáng với những gì học viên bỏ ra.

Nhưng tiếc là, người giỏi kiếm tiền bằng chiêu trò thì nhiều. Chứ người vừa giỏi vừa biết tích lũy phước đức lại ít.

Mình cũng ham tiền thật nhưng tin vào luật Nhân Quả nên thôi, sợ lắm. Trường hợp sếp cũ của mình đã minh chứng cực kỳ rõ ràng cho điều này rồi.

Còn nếu bạn vẫn muốn tìm một người thầy thật sự có TÂM – ĐỨC, khi giảng bài dám tự tin nói rằng: Các bạn cứ yên tâm xem từ đầu tới cuối nha, vì tui không có bán khóa học gì đâu, chỉ hết, chỉ hết, tập trung học giùm tui thôi!

Thì mình xin giới thiệu kênh Youtube của thầy 5: Web5ngay.

Kênh của thầy chất lượng, “xịn xò” như thế nào thì bạn tự vào xem rồi cảm nhận nha.

Nếu sách có cuốn Tony Buổi Sáng thì Youtube nhất định phải xem kênh Web5ngay.

Không chiêu trò, không dẫn dụ, không thu một đồng nào. Kênh của thầy hoàn toàn được xây dựng từ sự chân thành, kiến thức sâu rộng và cái “tầm” của một người giỏi giang, văn minh, có đạo đức thật sự và muốn cống hiến cho đời. Để kết bài, mình xin trích status mới đây nhất của thầy 5 về tinh thần tự :

“Sách kinh doanh ngoài nhà sách chất cao như núi…

… nhưng ít ai chịu tìm đọc và làm.

Video kinh doanh trên youtube xem ngập mặt cả đời ko hết…

… nhưng ít ai chịu xem và ngẫm hằng ngày.

Khóa học kinh doanh thì cũng đếm ko xuể, chưa tính tới việc tờ báo nào cũng có mục kinh doanh, thậm chí có nhiều tờ báo chỉ viết về kinh doanh. Rồi group kinh doanh trên FB hay Zalo. Ối dời ơi…

Rõ ràng là bạn ko thiếu tài liệu để học.

Cái bạn thiếu là sự “sẵn sàng” để lao vào học.

Và tui làm clip hàng tuần để truyền cho bạn cái sự “sẵn sàng” đó đó.

Mấy ông nội có thấy hơm?”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.