“Không hiểu sao mình đã dùng nhiều phương pháp chữa lành rồi nhưng vẫn vật vã quá chừng, vẫn thấy lạc lõng và mất kết nối với bản thân”.
Ở phần 1, mình đã phân tích nguyên nhân đầu tiên là: “Do bạn đang hiểu sai bản chất của việc chữa lành” rồi, khuyến khích bạn đọc để hiểu thêm nha.
Ở đây mình sẽ phân tích nguyên nhân chủ yếu còn lại, đó là: Bạn chỉ đang cố “đâm đầu” nhồi nhét lý thuyết và cố gắng copy trải nghiệm của người khác mà KHÔNG cho bản thân NGẪM và CẢM NHẬN những gì bạn tiếp thu.
Thể hiện ở việc bạn cố đọc thật nhiều, cố nghe thật nhiều người chia sẻ, và có rất nhiều kiến thức về chữa lành nhưng… cũng chỉ là dừng lại ở mức biết lý thuyết thôi, chứ nếu kêu áp dụng cho bản thân thì bạn lại không biết bắt đầu từ đâu trong một biển kiến thức đó. Tóm lại là, bạn biết nhiều nhưng không có sự sàng lọc xem cái gì phù hợp với giai đoạn hiện tại của bản thân. Người khác khuyên gì là bạn làm theo một cách máy móc mà không hiểu tại sao phải làm như vậy. Nhiều trường hợp càng chữa lành càng thấy mệt mỏi, nặng nề thì một phần do điều này đó.
Mang tiếng là đang thực hiện các cách thức chữa lành mà không thấy hiểu hay yêu thương bản thân hơn cũng là điều đương nhiên thôi, vì khi tin tưởng và dựa dẫm mù quáng vào người khác, cũng chính là khi bạn đang ngờ vực, chối bỏ sự thông thái bên trong của bạn. Mà như vậy là đang đi xa khỏi cốt lõi của việc chữa lành – quay về kết nối với bên trong rồi.
Ngoài ra, mình thấy khi ta quá bám víu, tin tưởng vào một lý thuyết nào đó trong khi chưa dành thời gian để trải nghiệm sẽ thường có xu hướng thiếu trách nhiệm với bản thân lắm (do ta đang mang tâm thế tìm “phao cứu sinh”, mong nó cứu được mình thay mình mà). Tức là khi bạn đặt niềm tin vào thứ gì, cũng là lúc bạn đặt trách nhiệm cho nó. Nếu đời sống tinh thần của bạn không có chuyển biến tốt đẹp, bạn sẽ dễ mất niềm tin, và cho là vấn đề nằm ở phương pháp/ con người đó, chứ không phải nằm ở việc bản thân thiếu sự sáng suốt để nhìn ra vấn đề cốt lõi.
Ừa cho là người bạn đang theo học, đang nghe, đang đọc những chia sẻ của họ có nổi tiếng hay tài giỏi tới mức nào, thì trải nghiệm của họ vẫn chỉ là của họ, vẫn chỉ là trải nghiệm từ cá nhân, dù có áp dụng được cho 100 người khác, thì cũng chưa chắc phù hợp với bạn. Trải nghiệm cá nhân thì không phải là chân lý mà. Vì vậy, mọi nguồn bên ngoài chỉ là để THAM KHẢO, KHÔNG phải để DỰA DẪM và PHỤ THUỘC.
Biết nhiều kiến thức là tốt, nhưng nó chỉ hỗ trợ bạn ở phần mở rộng góc nhìn, thay đổi suy nghĩ. Chứ còn có chuyển hóa các tắc nghẽn thật sự được hay không thì phụ thuộc vào việc bạn chịu áp dụng vào cuộc sống, trải nghiệm, ngẫm và rút ra những bài học như thế nào.
Bài viết cuối năm tản mạn vậy thôi, thêm ví dụ thực tế nữa thì dài. Nhưng mình tin những ai đã và đang trải qua giai đoạn này sẽ hiểu những gì mình đang nói.
Vậy hen, yêu thương,
Joy.