Không tuân theo những kiến thức về Tài chính cá nhân, đại loại như: Chỉ nghỉ việc khi trong tài khoản đã dự phòng đủ 6 tháng lương, hay ít ra cũng hãy có kế hoạch tìm việc, chuẩn bị trước CV, đậu phỏng vấn,… nói chung là chừng nào đảm bảo có việc mới thì hẵng nộp đơn xin nghỉ.

Nhưng không, mình đã nộp đơn ngay khi tới giới hạn, và đương nhiên sau một tháng bàn giao lại công việc cho tròn trách nhiệm thì mới “dứt áo ra đi”.

Có thể xem nơi đây là công ty đầu tiên mình đi làm. Bao nhiêu nhiệt huyết tuổi trẻ mình cống hiến hết cho công ty. Đi làm sớm, tình nguyện về trễ miễn là xong việc. Cuối tuần cũng sẵn sàng đối ứng nếu đối tác hoặc sếp gọi. Hiển nhiên là được sếp tin tưởng và coi trọng rồi.

Mình hãnh diện về bản thân, càng lao vào công việc như điên. Vì vậy mà không quan sát thấy những bất ổn lúc đó.

Sau một thời gian làm việc, mình nhận ra bản thân luôn trong tình trạng bực bội, căng thẳng, thậm chí còn đặt kỳ vọng lên đồng nghiệp. Và nếu họ không đáp ứng được, mình sẽ bực bội vì tại sao “bạn lại không chú tâm tới công việc, không nhiệt huyết, không có trách nhiệm được NHƯ MÌNH”. Mình không quan tâm tới cảm xúc, động lực làm việc của đồng đội. Mình chỉ cần biết công việc phải có kết quả như mình muốn. Vì vậy mà đôi khi mối quan hệ giữa mình và mọi người tràn đầy sự bực bội, mình xém nữa đã đánh mất sự yêu thương từ những người làm cùng.

Vừa quên đi cảm xúc thật sự của bản thân, vừa đánh mất sự vui vẻ, tự do và những điều quan trọng khác. Nhưng nhìn lại, những gì mình nhận từ công ty chỉ là những lời khen qua các cuộc họp. Mình đã cảm thấy thời điểm đó như một sự châm biếm, khi tất cả những nỗ lực mà mình bỏ ra được xoa dịu chỉ bằng vài lời khen, vậy nhưng, nó lại khiến mình cảm giác như phải nỗ lực hơn nữa, làm tốt hơn nữa. Chỉ vì mình sợ làm người khác thất vọng. Mình sợ bị nhận xét là “dạo gần đây nó chểnh mảng công việc rồi”, “nó không siêng năng gì cả, coi nhân viên người ta ngày đêm gì cũng làm kìa, vậy mới là cống hiến chứ” (đây là những câu các sếp trong công ty hay nói khi thấy nhân viên nào đó không thể hiện như họ kỳ vọng),… Thật ngây thơ, nhưng thời điểm đó những lời khen và nỗi sợ bị đánh giá lại chính là động lực để mình làm việc.

Nguồn ảnh: unsplash

Tới một ngày, sếp giao THÊM cho mình nhiệm vụ để làm. Mình nhấn mạnh là chữ THÊM nhé, tức là trước đó mình đã làm vài việc không liên quan tới vị trí hiện tại rồi. Tuy nhiên, lần này mình từ chối. Mình đơn giản là thấy không ổn và muốn thẳng thắn. Mình không muốn giả vờ ngoan ngoãn, trước mặt thì cười cười nói nói cho hài lòng người khác, để rồi sau lưng thì nói xấu sếp cho đã cái nư, khi về thì thở dài tới lui, cơm ăn lại không ngon, đi chơi với bạn thì không vui nổi. Từ chối, quyết không thỏa thuận, mình đã đánh mất quá nhiều khi bị bóc lột mà không phản kháng rồi.

Tới đây thì những ai đã đi làm công ty chắc sẽ thấy những câu này rất quen thuộc như: “Em phải biết thông cảm cho công ty trong thời kì khó khăn này”, “Em đi làm thì phải biết cống hiến chứ, nếu không em vô đây làm gì?”,… Đại loại vậy. Tóm lại là những con người từng khen mình đáo để thì nay, khi lần đầu tiên mình từ chối nhiệm vụ, đã cư xử như mình chưa từng đóng góp được gì tốt đẹp cho công ty. Không chần chừ, mình đã nộp đơn nghỉ việc vài ngày sau đó.

Thật là nhẹ nhõm dù từ đây mình sẽ không còn được đóng tiền bảo hiểm cho, không còn tiền lương cố định mỗi tháng, không còn tiền thưởng lễ Tết dù nó ít, cũng chưa có bất kì dự định nào tiếp theo. Lóc cóc làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Lần đầu tiên mình có cảm giác thất nghiệp thật sự.

Nhưng không sao, chỉ đơn giản là mình thấy thật mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Mình cần có thời gian để ngẫm về các trải nghiệm vừa qua, về cú sốc khi đã quá ngây thơ cho rằng mình làm việc là vì “tình thương mến thương”.

Mình biết quyết định lúc đó đầy sự rủi ro và khiến gia đình lo lắng. Nhưng đến giờ nghĩ lại vẫn thấy không còn gì có thể đúng đắn và sáng suốt hơn. Vì đúng là khi thả lỏng và biết nhận ra những bài học trong hoàn cảnh nào đó thì Vũ Trụ sẽ không bao giờ “bạc đãi” mình.

Nếu ngày trước cứ mãi nhịn nhục đi làm vì sợ “nhảy việc” rồi thất nghiệp, có lẽ mình vẫn còn trong trạng thái bực bội, bế tắc, bận bịu và áp lực phải làm hài lòng người khác. Mình sẽ không bao giờ có được thời gian đủ dành cho bản thân, bạn bè hay gia đình cũng như ở trạng thái vui vẻ, thoải mái như bây giờ.

Thật may vì mình đã quyết đoán, không nghe những lời “hăm dọa” của người khác là “nghỉ giai đoạn này thì khó kiếm việc lắm”, tự hào vì mình đã không sợ hãi. Giờ đây, là một người đã thật sự trải qua giai đoạn “trở mình” đó, mình hoàn toàn tin rằng sẽ không bao giờ có thể tan xác được nếu bạn nhảy ra khỏi vách núi thuộc “vùng an toàn”. Vì những gì bạn cần làm là khám phá “món quà” – là những cơ hội mới, bài học mới, con người mới,… đang chờ đợi phía bên kia.

May mắn nối tiếp may mắn, sau khoảng thời gian nghỉ ngơi vừa đủ, mình có cơ hội biết đến và học được lòng biết ơn, bao dung, thấu hiểu bản thân mình và người khác hơn. Mình nhận ra được tổn thương của Đứa trẻ bên trong, tìm hiểu về Chữa lành. Học được rằng phải biết cải thiện mối quan hệ với tiền, phải giúp đồng tiền “cười” thì “bạn ấy” mới thích tới với mình. Học được cách ứng xử trong tình yêu, rằng để cảm xúc cả hai luôn đằm thắm thì mình nên bao dung, khéo léo ra làm sao. Đúng là chỉ cần có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy dần tiến bộ thì mọi việc khác như tiền bạc, tình cảm,… sẽ tiến triển một cách nhanh chóng, tốt đẹp. À thật ra thì công việc hiện tại của mình đang bắt đầu “phất” lên rất nhiều so với thời điểm trước rồi, đã qua mấy tháng nhưng mình vẫn thấy sao mà kỳ diệu và may mắn quá chừng. Đây là những điều mình không bao giờ có được nếu cứ bám riết lấy “sự an toàn” ở chỗ làm cũ. Hy vọng bạn cũng sẽ có sự nhìn nhận sáng suốt, quyết đoán và can đảm trong những giai đoạn thấy “có gì đó sai sai” trong cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.