Trước đây, mình từng quan niệm rằng không nhất thiết phải có mẫu đàn ông tiêu chuẩn cho riêng mình. Miễn hai đứa hợp nhau, yêu nhau là được. Đặt ra hình mẫu lý tưởng cho đã làm chi, thực tế duyên số đưa đẩy ra sao mình cũng đâu có chống lại được.
Cách nghĩ đơn giản đó là nguyên nhân tạo nên những chương tình cảm đau khổ, sướt mướt không thua gì kịch bản phim Hàn thời “Trái Tim Mùa Thu” (2000). Cũng hên là sau bao lần “ăn hành” sấp mặt mình đã rút ra hai bài học quan trọng giúp thay đổi thể loại phim tình cảm của đời mình thành tươi vui như hoạt hình Disney:
1. Khái niệm “hợp” hay “không hợp” trong tình yêu là một thứ gì đó rất mơ hồ:
Dù tính cách, gia cảnh, quan niệm sống của hai người là tương đồng hay trái ngược thì ở mối quan hệ nào cũng tồn tại các vấn đề phát sinh từ cả hai, hoặc bị tác động bởi môi trường xung quanh như gia đình, công việc,… cần được giải quyết trên nền tảng của tình yêu thương.
Có “hợp” hay không là do ta có đủ yêu, đủ bản lĩnh, đủ tôn trọng sự khác biệt của nhau để cùng vun đắp chuyện tình này hay không mà thôi.
Mình tin như vậy vì mình và người yêu hiện tại là hai con người khác nhau hoàn toàn từ môi trường trưởng thành, đến nền tảng giáo dục và vài quan điểm sống khác. Tuy nhiên, nhờ việc tôn trọng sự khác biệt, cố gắng thấu hiểu nhau mà mọi xích mích đều được hóa giải trong hòa bình, không những vậy mà còn gắn bó với nhau hơn nữa.
KINH NGHIỆM ĐỂ TÌNH CẢM LUÔN NGỌT NGÀO NHƯ LÚC MỚI QUEN (HIỆU QUẢ KỂ CẢ YÊU XA) – PHẦN 1
KINH NGHIỆM ĐỂ TÌNH CẢM LUÔN NGỌT NGÀO NHƯ LÚC MỚI QUEN (HIỆU QUẢ KỂ CẢ YÊU XA) – PHẦN 2
2. Về tiêu chuẩn trong tình cảm:
Ừ thì không cần liệt kê một danh sách quá cụ thể như: Chiều cao là bao nhiêu mét, mập hay ốm, da trắng hay ngăm, có sáu múi không, có biết nấu ăn không,…
Tuy nhiên, nhất định phải có tiêu chuẩn cho người đàn ông bước vào đời mình. Đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng giống như việc ta đặt ra mục tiêu, rồi từ đó mới xác định được con đường nào cần đi để tới mục tiêu đó, tránh không bị lạc đường hay sa vào vũng lầy.
Mình ví dụ nha, nếu đặt mục tiêu rằng: “Chồng của mình phải là người đàn ông có đạo đức, thể hiện qua việc chung thủy khi yêu mình, không vũ phu, biết tôn trọng gia đình mình, không hại người, không làm ăn bất chính”. Thì lỡ như trong quá trình quen, mình phát hiện ra đối phương là một tên sở khanh, vũ phu, lừa đảo mình sẽ cho “de” NGAY LẬP TỨC để bảo toàn cho mục tiêu hạnh phúc đúng ý mình. Có thể mình buồn đó, có thất vọng đó vì đã nhìn lầm người, đặt niềm tin sai chỗ. Nhưng tuyệt nhiên không lụy, không tiếc, thậm chí còn khinh thường kiểu đàn ông như vậy. Dù có đòi quay lại thì mình cũng đuổi như tà, không cho cơ hội tiếp cận mình chứ đừng nói là tha thứ hay năn nỉ hạng người như vậy tiếp tục ở bên mình.

Có thể nhiều bạn sẽ thấy khó tin vì các bạn cho rằng “nếu đã yêu thật lòng thì đâu thể nói dứt là dứt được” hoặc “yêu là phải bao dung, biết tha thứ cho nhau chứ”.
Ừm, mình tự tin khẳng định mình là một người yêu nghiêm túc và chân thành, nên một khi đã quen ai mình chắc chắn yêu thật lòng. Có điều, đặt ra tiêu chuẩn như trên đã giúp mình có tâm thế khác với trước đây: “Mình CHỌN một cuộc sống hạnh phúc cùng người yêu / người chồng xứng đáng với tình yêu của mình” thay vì “yêu ai cũng được, đã yêu là có khổ tới chết cũng chịu”.
Suy nghĩ đó giúp mình đã xoay chuyển từ vị thế của một người suốt ngày xách dép chạy theo người khác để xin được yêu thương thành người biết đặt trọng tâm của cuộc sống là hạnh phúc của bản thân. Ai không đáp ứng được điều đó thì thôi, mời ra cho khuất mắt, không cần nói nhiều, đỡ mất thời gian tận hưởng cuộc sống của mình.
Còn về việc phải biết bao dung thì sao nhỉ? Mình đồng ý là không ai hoàn hảo hết, mình cũng vậy. Thế nhưng, không phải lỗi nào cũng có thể tha thứ, và nếu cứ nhắm mắt cho phép đối phương được vượt qua giới hạn của chúng ta thì chẳng khác nào cổ súy cho điều đó và tự coi rẻ chính mình.
Chẳng hạn như việc bạn tiếp tục yêu một người khi họ tát bạn nổ đom đóm mắt có khác nào bạn chấp nhận hành động đó đâu. Dần dần đối phương sẽ nhận ra là bạn chẳng có giới hạn nào để bảo vệ bản thân, họ cứ thỏa mãn sự man rợ đó và biết là kiểu gì cũng không mất bạn được. Sự tôn trọng tối thiểu giữa con người đối với nhau còn không có, thì lấy đâu ra thứ gọi là “tình yêu”? Nhiều phụ nữ từ vị trí “vợ” thành “vợ, kiêm bao cát” là do đã chấp nhận và dung túng những hành vi bạo lực như vậy (mình bổ sung thêm là sỉ vả, lăng mạ bằng lời nói cũng là một kiểu bạo lực nhé).
Túm cho gọn mái tóc dài suôn mượt chuẩn bị được tặng cho Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam lại mà nói thì, mình không cần một người đàn ông hoàn hảo, nhưng người đồng hành cùng mình phải là người đáp ứng được cái tiêu chí TỐI THIỂU mà mình đặt ra. Những tiêu chí đó vừa giúp mình đi đến con đường hạnh phúc trong hôn nhân suôn sẻ hơn, vừa là ranh giới bảo vệ lòng tự tôn, cơ thể, gia đình, tài sản, con cái trong đời này của mình.
Còn nếu bạn nào vẫn tin rằng khổ là do duyên số, không phải sự lựa chọn thì mời bạn đọc và ngẫm đoạn sau đây, trích từ sách Ăn, cầu nguyện, yêu (Eat, pray, love):
Định mệnh, tôi nghĩ, cũng là một mối liên hệ – một trò chơi giữa ân sủng thiêng liêng và sự tự lực đầy quyết tâm.
Một nửa của nó ta không thể kiểm soát được; một nửa của nó thì tuyệt đối trong tay ta…Con người không hoàn toàn là con rối của thần thánh, cũng không hoàn toàn là thuyền trưởng của định mệnh mình; anh ta là một chút của cả hai. Chúng ta phi nước đại qua đời sống mình như những người trình diễn xiếc đứng thăng bằng trên hai con ngựa đang phóng cạnh nhau – một chân trên một con ngựa “số phận”, còn chân kia trên con ngựa “tự do ý chí”. Và câu hỏi ta phải hỏi mỗi ngày là – con ngựa nào là số phận và con ngựa nào là tự do ý chí?
Ta cần phải thôi lo lắng về con ngựa nào vì nó không dưới sự kiểm soát của ta, và con ngựa nào ta cần hướng dẫn với nỗ lực tập trung?
Elizabeth Gilbert